Ngày 18/4, tại Hà Nội, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) và Bộ Y tế vừa ra mắt ứng dụng Bluezone. Đây là một trong những giải pháp được các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển nhằm bảo vệ cộng đồng, phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Ứng dụng lưu vết người nghi nhiễm Covid-19
Theo ông Nguyễn Huy Dũng - Cục trưởng Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT), Bluezone là ứng dụng công nghệ Bluetooth để xác định vùng an toàn.
Mục tiêu trong phòng dịch Covid-19 là làm sao xác định được người nhiễm nhanh nhất, chính xác và ít tốn kém nhất. Điều này chỉ có thể giải quyết được bằng công nghệ.
Bluezone là giải pháp ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE (Bluetooth low energy). Các smartphone được cài đặt Bluezone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách 2m, ghi nhận sự tiếp xúc gần, vào lúc nào và trong bao nhiêu lâu.
Đây là công nghệ tối ưu, giúp kiểm soát các tiếp xúc gần. Khi phát hiện ca dương tính F0, thay vì cách ly cả nghìn người, chúng ta chỉ cần cách ly vài chục người, ông Nguyễn Huy Dũng cho biết.
Trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, khi mọi người có tiếp xúc, ứng dụng trên điện thoại của họ sẽ tự “nói chuyện" với nhau. Nếu phát hiện có sự tiếp xúc gần (trong khoảng cách 2m), thiết bị sẽ tự ghi nhận vào nhật ký.
Nếu phát hiện ra một người nhiễm bệnh Covid-19 (F0), dữ liệu của người nhiễm bệnh đó sẽ được nhập lên trên hệ thống, từ đó chuyển xuống tất cả các thiết bị đang sử dụng.
Ứng dụng Bluezone trên máy sẽ so sánh dữ liệu của F0 với lịch sử tiếp xúc được ghi nhận từ trước. Nếu phát hiện thiết bị đã từng tiếp xúc với F0 trong thời gian đủ lớn, hệ thống sẽ báo cho người sử dụng về nguy cơ có thể lây nhiễm bệnh (F1).
Bluezone thậm chí có thể cung cấp cụ thể việc bạn đã tiếp xúc với F0 vào lúc nào và trong khoảng thời gian là bao nhiêu lâu. Ứng dụng cũng sẽ cung cấp liên hệ của cơ quan y tế có thẩm quyền và khuyến cáo người sử dụng liên hệ để được hướng dẫn, trợ giúp.
Khi cơ quan thẩm quyền nhận được dữ liệu của F1, họ sẽ tiếp tục nhập lên hệ thống để cảnh báo các F tiếp theo một cách nhanh chóng và chính xác.
Triết lý của Bluezone là để người dùng tự bảo vệ chính mình rồi sau đó bảo vệ cộng đồng. Người sử dụng nó sẽ biết ngay được rằng khi có F0 thì mình có thuộc diện F2, F3, F4,... hay không. Khi người dùng kết nối với hệ thống, mạng lưới này mới đủ lớn để từ đó bảo vệ cho cộng đồng.
Ứng dụng chỉ lưu dữ liệu trên máy người dùng, tuyệt đối không đưa lên server. Chỉ khi người dùng bị xác định là F0 thì dữ liệu mới được nhập lên rồi đưa xuống dưới. Lúc đó, người dùng được báo là F1 sẽ tự đưa dữ liệu lên để bảo vệ cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Tử Quảng, ứng dụng này không thu thập vị trí. Bluezone chỉ ghi nhận 2 người có gặp nhau lúc nào đó và trong bao lâu, chứ không biết họ gặp nhau ở chỗ nào. Người dùng Bluezone cũng sẽ ẩn danh do sử dụng ID mà hệ thống tự sinh ra. Bên cạnh đó, nhà phát triển Bluezone cũng sẽ minh bạch bằng cách cung cấp bộ mã nguồn mở.
Theo ước tính của Cục Tin học hoá, nếu 30 triệu người Việt Nam cài đặt Bluezone, nước ta sẽ đạt tới tỷ lệ tối ưu để phát hiện sớm các ca tiếp xúc gần với những người bị bệnh.
Trong một vài ngày tới, sau khi App Store và Google Play đưa Bluezone lên hệ thống của mình, người sử dụng có thể cài đặt ứng dụng này. Những ai muốn trải nghiệm ngay vẫn có thể tải ứng dụng về thông qua chương trình mời sử dụng tại website bluezone.vn.
(Theo Vietnamet)