Ngày xưa, khi mà Apple và Intel còn “mặn nồng”, việc cài đặt Windows trên máy Mac là rất dễ nhờ Boot Camp, tuy nhiên kể từ lúc vi xử lý M1 xuất hiện, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn. Tưởng chừng như cánh cửa mang Windows lên máy Mac hiện đại đã đóng lại, nhưng có 1 dự án mới bắt đầu để biến chuyện không thể thành có thể - M1 Windows project.
Apple Silicon ra đời với CPU M1 Series đầu tiên đã khép lại ước mơ mua máy Mac - cài Windows của 1 số lượng người dùng thích thiết kế của Apple nhưng quen xài hệ điều hành Microsoft, đơn giản chỉ vì Windows không hỗ trợ native cho vi xử lý này. Dĩ nhiên cũng có những cách chính thống nhưng hơi phức tạp và không hẳn dễ chịu cho lắm: cài đặt và chạy Windows ngay trong hệ điều hành MacOS với các phần mềm tạo máy ảo. Vậy còn cách tương tự như Boot Camp thì sao?
Nhà phát triển Arminder Singh (amarioguy) dựa trên dự án Asahi Linux (mục tiêu chạy Linux trên Apple Silicon) để bắt đầu công việc kết hợp Windows và CPU của Apple với nhau. Dù Windows 10 và 11 đã hỗ trợ native cho vi xử lý Arm nhưng theo amarioguy, Apple Silicon rất khác so với những con chip Arm64 từ Qualcomm, Samsung hay MediaTek. M1 Windows project đang ở giai đoạn đầu tiên, cố gắng để có thể khởi động được Windows về cơ bản trên máy tính chạy chip M1.
Chướng ngại đầu tiên và cũng là cơ bản mà dự án cần phải vượt qua là bộ điều khiển ngắt (interrupt controller) trong Apple Silicon. Thay vì sử dụng interrupt controller tiêu chuẩn, Apple dùng 1 thứ gọi là AIC (Apple Interrupt Controller) hoàn toàn khác, vì vậy nhân Windows Arm64 không hỗ trợ nó. Vấn đề tiếp theo là MMU (Memory Management Unit - đơn vị quản lý bộ nhớ), trong khi Apple MMU hỗ trợ cả 16K và 4K page thì IOMMU (Input - Output MMU) chỉ hỗ trợ 16K page (không có 8K page), khiến cho việc giao tiếp giữa phần cứng và Windows là cả 1 thử thách. Theo amarioguy, vẫn còn nhiều việc cần phải làm, nhưng phần lớn chúng đều có thể được giải quyết bằng trình điều khiển (driver) hoặc ACPI (Advanced Configuration and Power Interface).